Pages

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Nhà quê ra tỉnh - bộ mới: Hồi thứ Năm - Nông nghiệp Việt Nam

Đại gia miệt vườn làm phước quá tay

Lão nông quê choa nói lời nghĩa cử

Ở hồi trước, bạn đọc đã rõ chuyện ông Tư Tất nói rằng quá rành về ông Sáu Sộp, là không phải nói chơi.

Cội nguồn ông Sáu, người Đồng Tháp, sau mấy vụ trúng lớn, trúng liên hoàn cả lứa cá, trái cây, trở thành một đại gia miệt vườn, thì tuy là người Đồng Tháp, ông Sáu vẫn được tôn làm “Công tử Bạc Liêu” thời mới.

Những cách sinh hoạt, thú vui, thú chơi của Sáu Bạc Liêu, quả là xứng tầm với Công tử Bạc Liêu thời xưa. Ngồi chơi hoặc nhậu lai rai, ông cũng có thể xỉa ra vài tờ, vài chục tờ mệnh giá năm trăm ngàn đồng, để cho một ai đó không hề quen biết.

Lần là lão bán vé số đi qua. Lần là một “cái bang” ngửa nón xin tiền. Lần khác, một bà lão bán cháo. Lần khác nữa, một thằng bé đánh giày.

Trong khi mọi người phải nghĩ cách để kiếm tiền, thì Sáu Bạc Liêu chỉ nghĩ cách… tiêu tiền! Ngày nào lão không tiêu hết mười triệu thì ngày sau phải tiêu bù. Sáu Bạc Liêu có thể đầu giờ sáng đáp tàu bay lót dạ ở Singapore, trưa đến Bangkok (Thái Lan) ăn trưa, mát xa, chiều về Sài Gòn xơi món hủ tiếu, mà phải là hủ tiếu mang từ Nam Vang sang cơ.


Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng

Có giai thoại thế này. Một lần đi hát Karaoke, ngồi trong phòng đèn mờ máy lạnh, cô tiếp viên vô tình đánh rơi tờ giấy bạc phận giá mười ngàn đồng. Rất mặc nhiên, Sáu Bạc Liêu rút từ trong túi ra tờ ngân phiếu mệnh giá mười triệu đồng, châm vào ngọn nến (thắp khử mùi thuốc lá) để… soi tìm tờ giấy bạc mười ngàn đồng kia.

Hành động này khiến người ta liên hệ đến hành động rưa rứa của Công tử Bạc Liêu thứ thiệt ngày xưa, nhưng không “bạo liệt” bằng Sáu Bạc Liêu hiện thời.

Thành ra chuyện Sáu Sộp (hay vẫn gọi là Sáu Bạc Liêu) “mua” cái điếu cày của bác Cả bằng cặp vé khứ hồi, chỉ là chuyện nhỏ nhặt. Có khi “mua” xong, lão còn vứt quách cái điếu cày ở một xó xỉnh nào đó…

“Này! Tôi hỏi khí không phải, thế sau đó bác có đi Sài thành?”.

Bác Cả cười hềnh hệch mà rằng: “Đã có lúc nào bố trí đi được đâu. Với lại, đi cũng phải có mục đích, chứ bỗng dưng…”. Tư Tất bỗng đập đập vào vai bác Cả: “Tôi không ngờ về sự hào phóng của Sáu Bạc Liêu. Nhưng cũng không loại trừ lão Sáu kiếm câu chuyện làm quà, hoặc lão quên khuấy cái chuyện vé vủng, thì sao?”.

Bác Cả xua tay: “Khi về nhà kể chuyện, thằng con cả tôi nó không tin. Nó bèn lấy xe máy chở tôi lên thị xã, đúng đến cái điểm bán vé tàu bay của e - lai, e - liếc gì đó. Khi tôi nói rõ họ tên, một cô nhân viên liền bấm máy: “Dạ! Tên ông đã có trong danh sách. Vậy ông đăng ký đi ngày nào?”. Tôi bèn đáp: “Thế đến sang năm đi, có được không?”. Cô nhân viên khoác: “Cứ trong vòng ba năm, ông muốn đi ngày nào cũng được ạ. Chỉ cần ông đăng ký trước”. Đó! Ông thấy không, hiện thời tôi muốn đi, à muốn bay lúc nào chả được”.

Khi nghe đến đây, ông Tư có vẻ trầm tư mặc tưởng. Ông rót rượu ra hai cái chén, nâng lên mời bác Cả cùng cạn. Thấy thái độ kì dị của ông Tư, bác Cả ngạc nhiên: “Ông làm sao vậy?”. Phải một lúc sau, ông Tư mới cất lời: “Cái ông Sáu bây chừ không còn là Sáu Bạc Liêu nữa, mà thành Sáu cái bang rồi”.

Bác Cả không hiểu: “Ông nói ông Sáu là…?”. Ông Tư gật gật: “Cái bang. À! Phải rồi, người Bắc không gọi cái bang, mà là hành khất, ăn xin. Đó! giờ ông Sáu đã là người dưới đáy. Sở dĩ tôi biết rành thế, cũng vì năm ngoái, tôi trúng lứa cà phê.

Rủng rỉnh tiền, rồi bạn bè rủ rê, tôi cùng họ qua biên thuỳ Campuchia. Ở đó mới nổi lên những sòng bạc khổng lồ. Mà đa phần người Việt đứng ra không à. Những kẻ ma-cô dẫn đường, không ngớt lời khen sòng bạc của đại ca Sáu Bạc Liêu. Chỗ nào cũng nghe thấy cái tên Sáu Bạc Liêu. Cứ ngỡ một ông Mạnh Thường Quân tái thế”.

Bác Cả đặt cái chén xuống: “Ông nói cái ông Sáu cái bang. Vậy, lại một ông Sáu khác?”. Ông Tư xua tay: “Đâu có! Chỉ là một thôi à. Sau một năm đại gia mở sòng bạc, chơi bạc với những ván khiếp đảm, thì bỗng trắng tay. Đại gia thoạt tiên bán bớt sòng bạc. Dần dần sòng cũng hết. Tiền cũng cạn… Mà thôi! Để lúc nào rỗi rãi, tôi kể dài dài cho bác nghe. À! Sao không nhân này, bác vô Nam một chuyến?”.

Nói đến đây, ông Tư như chợt tỉnh. Ông cười cười: “Là tôi nói đùa vậy thôi. Chứ lão Sáu hiện giờ thương hải tang điền thảm hại lắm đó. Thậm chí còn không nhận ra được bác ấy chứ”.

Bác Cả vừa nâng cái chén, chưa uống đã đặt ngay xuống đánh cạch một cái: “Ơ hay! Lúc người ta hoạn nạn, người ta bị rơi xuống đáy, mình mới nên đến với người ta chứ. Sao ông lại bảo nói đùa? Đã vậy, tôi sẽ vào Nam một chuyến”.

Thấy thái độ như bị kích động của bác Cả, ông Tư mới nhẹ nhõm: “Tôi rất hiểu tâm trạng của bác. Nhưng tôi phải nói điều này, để bác khỏi “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Đành rằng bác có cặp vé khứ hồi, đảm bảo cho việc đi, về. Nhưng máy bay xuất hành từ Hà Nội, cập bến Tân Sơn Nhất. Như vậy sẽ có lộ trình từ quê bác đây, ra Hà Nội. Lại từ Sài Gòn đi tới cái nơi ông Sáu kia tá túc. Tiền xe đò đi lại, tiền xài, nghỉ ngơi… Nói tóm lại, là bác dắt lưng mức “bèo” nhất cũng phải năm, sáu triệu đồng. Ấy là tôi nói mọi chuyện thông lưng bén giọt, không gặp sự cố gì”.

Nghe tới đây, mặt bác Cả bỗng ngẩn ra. Ờ! Lúc bốc lên, không tính tới chuyện này. Nhưng ông Tư đã đập đập tay vào bác Cả: “Tôi nói là nói vậy, để bác mường tưởng ra chuyến đi. Còn nếu bác kiên tâm, tôi sẽ lo cho bác mọi chuyện và cùng đi với bác. Đằng nào ít bữa nữa, tôi cũng phải vô. Nếu đi cùng, tôi sẽ đưa bác tới chỗ ông Sáu Bạc Liêu.

À quên, ông Sáu cái bang. Sau đó, bác tự suy tính. Mà cũng chả phải lo nhiều. Khi đã vô trỏng, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Dân Nam bộ chơi ngon, chuyện ngủ nghỉ, ăn nhậu không có vấn đề chi. Nào! Ta nâng chén. Đừng thối chí, bác Cả…”.

Thế thực là:

Cũng muốn thử cưỡi mây, đạp gió

Lại phải xem hành lí, hầu bao

Chưa biết bác Cả có vô Nam, xin xem hồi sau sẽ rõ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Liên hệ

Dịch vụ chúng tôi

Đối tác lớn